Mệt mỏi khó thở - những triệu chứng không nên chủ quan
Mệt mỏi khó thở là những triệu chứng rất đơn giản và thường gặp, nhưng lại có nguy cơ tiềm ẩn các bệnh lý nguy hiểm.
Mệt mỏi là tình trạng khi cơ thể có cảm giác thiếu sức sống, uể oải, không có năng lượng. Khó thở là khi người bệnh gặp khó khăn khi hít thở, thở hơi ngắn, hụt hơi, khiến người bệnh có cảm giác lồng ngực bị bó chặt, nghẹt thở, gây tức ngực khi cố gắng thở.
Nguyên nhân có thể do bạn vận động mạnh, tập thể dục thể thao, hoặc lao động quá sức. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng bệnh lý của cơ thể về tim mạch, hô hấp.
Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Medlatec, có nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi khó thở. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng này:
Bệnh viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng tổn thương cấp tính, nhiễm trùng phổi, làm rối loạn quá trình trao đổi khí tại phổi, dẫn đến suy hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm khuẩn, nấm hoặc virus.
Mệt mỏi khó thở có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn sớm của bệnh viêm phổi, kéo dài qua các giai đoạn. Ngoài ra, viêm phổi có các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, ho có đờm, đau tức ngực…
Nếu không được chẩn đoán phát hiện và điều trị kịp thời, viêm phổi có thể gây ra các biến chứng khác như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, thậm chí tử vong.
Bệnh hen suyễn
Tình trạng viêm và hẹp đường thở được gọi là hen suyễn. Biểu hiện của bệnh hen suyễn là mệt mỏi, ho, đau tức ngực, khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở, thở khò khè đứt đoạn, thở gấp.
Đây là một dạng bệnh phổi mạn tính, nên chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát bằng thuốc đặc trị khá hiệu quả.
Ung thư phổi
Ung thư phổi là khi phổi người bệnh có các mô tế bào phát triển bất thường. Ung thư phổi khiến người bệnh mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, tức ngực.
Các mô tế bào bất thường trong phổi phát triển liên tục mà không có kiểm soát, khiến tình trạng bệnh tiến triển ngày càng nặng, người bệnh suy yếu, có thể ho ra máu, cơ thể đau nhức, sụt cân nhanh chóng và có thể dẫn tới tử vong.
Tràn dịch màng phổi
Sự tích tụ của chất dịch trong màng phổi là nguyên nhân khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi khó thở, nhất là khi nằm xuống. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy đau tức ngực phía lá phổi bị tràn dịch, ho khan nhiều, ho có đờm, cơ thể yếu, mệt mỏi kéo dài.
Bệnh thiếu máu
Bệnh thiếu máu xảy ra do lượng hồng cầu trong máu bị suy giảm. Đây cũng là bệnh lý gây ra mệt mỏi khó thở ở người bệnh. Tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên hơn khi người bệnh bị thiếu máu nặng. Bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng khác như chóng mặt, màu da nhợt nhạt, đau tức ngực. Cần bổ sung thêm thực phẩm dinh dưỡng có chứa sắt, có chế độ nghỉ ngơi phù hợp, tập luyện đều đặn.
Bệnh tim mạch
Các bệnh lý về tim mạch cũng có thể là nguyên nhân gây mệt mỏi khó thở. Tình trạng bệnh kéo dài còn có thể gây đau tức ngực.
Các bệnh lý về tim có thể là suy tim, nhồi máu cơ tim, hẹp van tim, bệnh mạch vành. Tùy vào từng bệnh và mức độ có thể gây các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên mệt mỏi, khó thở thường xuất hiện nhiều và liên tục.
Khi bạn bị mệt mỏi khó thở do các nguyên nhân như tập thể thao, vận động mạnh, lao động hay làm việc quá sức, việc đầu tiên bạn cần làm là để cho cơ thể nghỉ ngơi sau khi hoạt động quá công suất. Tiếp đó, bạn cần xem xét lại chế độ sinh hoạt, cải thiện, cân bằng lại lịch làm việc và học tập, phân bổ thời gian và công việc hợp lý để tránh tình trạng cơ thể phải vận hành quá sức.
Còn nếu đây là triệu chứng của các bệnh lý phức tạp hơn bạn cần điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn cần đến cơ sở y tế, bệnh viện để kiểm tra sức khỏe để bác sĩ có thể chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, để cơ thể không có cảm giác mệt mỏi khó thở khi hoạt động mạnh cũng như để tránh mắc các bệnh lý gây ra triệu chứng này, bạn nên có chế độ sinh hoạt khỏe mạnh. Do đó, hãy xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao với các bài tập phù hợp, bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở thường xuyên, kèm theo các triệu chứng được nêu ra trong bài viết, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh lý, tìm ra nguyên nhân, nhận điều trị phù hợp và sớm nhất.
Theo: Tuấn Bảo (https://vtv.vn)