Ngày 2/9 được gọi là Ngày Quốc khánh từ khi nào?
Có một điều không nhiều người biết là ngày 2/9/1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ngay sau đó chưa được gọi là Ngày Quốc khánh mà được gọi bằng cái tên “Ngày Độc lập”. Ngày Quốc khánh khi ấy được quy định là ngày 19/8/1945.
Điều này có thể được thấy rõ tại Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký, theo đó quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, tính theo dương lịch và âm lịch có ấn định ngày 2/9 là “Ngày Việt Nam độc lập”.
Tiếp theo, tại Sắc lệnh 141 bis ngày 26/7/1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ký, ấn định lấy ngày 19/8, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám là ngày Quốc khánh Việt Nam. Điều 2 của Sắc lệnh này nêu rõ, “Ngày Quốc khánh Việt Nam” sẽ thêm vào bảng kê khai những ngày lễ chính thức theo Sắc lệnh 22C.
Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 |
Theo các chuyên gia lập pháp, việc ấn định ngày Quốc khánh cũng như việc ấn định tên nước, tên thủ đô, quốc kỳ, quốc ca thường được điều chỉnh trong đạo luật cơ bản nhất và cao nhất của một quốc gia là Hiến pháp. Thế nhưng, trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thậm chí cả Hiến pháp năm 1980 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều không thấy có quy định nào liên quan đến nội dung này.
Vậy, ngày 2/9/1945 đã được mang tên gọi là Ngày Quốc khánh từ khi nào?
Với sự chỉ dẫn của Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và Thư viện Quân đội, hiện có hai tư liệu đã có thể cung cấp câu trả lời. Tư liệu thứ nhất là “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” trên báo Nhân dân năm 1954. Cũng trên báo Nhân dân năm đó công bố những khẩu hiệu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để “kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2/9” đã đăng khẩu hiệu số 20 với nội dung: “Nhiệt liệt chào mừng ngày kỷ niệm lần thứ 9 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9!”.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên, ngày 2/9 xuất hiện trên kênh thông tin chính thức của nước ta với tên gọi là Ngày Quốc khánh. Kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/1954 cũng vào một thời điểm đặc biệt khi kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ 9 năm, và sau đó là ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội 10/10/1954.
Đến Hiến pháp năm 1992, tại Điều 145 mới có quy định: “Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Quốc khánh”. Và, tại Điều 13 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ thêm: “Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”. Như vậy, có thể thấy rõ, quy định như Hiến pháp 2013 là hết sức chính xác về nội hàm, đồng thời kế thừa được tinh thần tên gọi của ngày 2/9/1945 trong lịch sử.
Có thể thấy, cho dù hiện diện trong lịch sử dưới tên gọi nào, ngày 2/9/1945 mà mỗi lần chúng ta kỷ niệm và nhớ về đều thêm một lần khẳng định tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam, khát vọng Việt Nam...
Theo: Quang Lộc (https://congthuong.vn/)