Sapa có những lễ hội gì đặc sắc thu hút khách nhất
Sapa có những lễ hội gì đặc sắc thu hút khách nhất
Khi đến với Sapa, một trong những trải nghiệm thú vị bạn không nên bỏ lỡ đó là cơ hội được hòa mình vào những lễ hội Sapa đặc sắc. Hãy cùng VHA điểm qua những lễ hội mang đậm dấu ấn Tây Bắc này nhé!
Lễ hội Tết cơm mới - Lễ hội Sapa đặc sắc
Lễ hội Tết cơm mới là lễ hội Sapa đặc sắc của người Xá Phó. Khi sắp vào vụ thu hoạch, các cánh đồng chuyển sang màu lúa mới, người dân sẽ chọn ngày đẹp để làm lễ hội này. Đây là dịp để những người con, người dân làng thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên đã phù hộ cho một mùa màng bội thu.
Theo phong tục, vào lễ hội Tết cơm mới, người phụ nữ của gia đình sẽ đại diện để đi cắt lúa mới. Họ phải dậy sớm, mặc bộ quần áo mới và đi ra nương mà không nói với ai. Họ kiêng gặp người làng trên đường đi. Ý nghĩa của những điều này đó là giữ sự kín đáo nhất có thể khi rước hồn lúa mới về nhà.
Mọi thứ phải được chuẩn bị tươm tất nhất khi đón hồn lúa mới về nhà. Sau phần nghi lễ, chủ nhà mời cơm những người đến dự và rót 3 lần rượu mời mọi người. Người được mời phải uống hết rượu rồi sau đó chúc tụng nhau một mùa mới bội thu.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Thường diễn ra vào mùa Đông, mùa thu hoạch. Nếu bạn du lịch Sapa vào đúng ngày lễ hội Tết cơm mới, thì đây quả là một điều may mắn.
- Địa điểm: Bản Nậm Sài - Lào Cai.
Lễ hội Tết cơm mới
Lễ hội xuống đồng Sapa - Lào Cai
Một trong những lễ hội tháng Giêng độc đáo nhất ở Sapa phải kể đến lễ hội xuống đồng. Đây là lễ hội của người Tày, người Dao thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự.
Lễ hội xuống đồng Sapa bao gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ bắt đầu khi có một đoàn người ăn mặc chỉnh tề, thực hiện nghi lễ rước nước và rước đất. Đoàn rước gồm: Thầy cúng, đội trống, kèn cùng 2 đôi nam nữ chưa lập gia đình khiêng kiệu rước. Kiệu rước được trang trí sặc sỡ với nhiều màu sắc theo biểu tượng âm dương ngũ hành. Thầy cúng là người được dân làng tin tưởng coi như tượng trưng cho người mang những lời cầu mong dâng đến thần linh.
Đi theo sau đoàn rước là các lễ vật dâng thần linh, đội chiêng trống đi lại hai bên thầy cúng và đến địa điểm làm lễ, thầy cúng sẽ ra hiệu cho 2 đội này nổi 3 hồi kèn trống và bắt đầu nghi lễ. Sau đó, thầy cúng khấn và phun nước đuổi ma quỷ để tùng lộc cho dân bản.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Sáng ngày mùng 8 Tết âm lịch hằng năm.
- Địa điểm: Xã Bản Hồ, Sapa, Lào Cai.
Lễ hội xuống đồng Sapa
Lễ hội Nào Cống
Đây là một trong những lễ hội Sapa nổi bật được nhiều du khách biết đến. Lễ hội được diễn ra tại vùng thung lũng Mường Hoa hằng năm. Từ thập kỷ 50 trở về trước, Tả Van có một ngôi đền thờ các vị thần. Ngôi miếu gồm có 3 gian và từ lâu đã trở thành nơi diễn ra lễ hội Nào Cống.
Mỗi gia đình sẽ cử ra một người, không phân biệt nam nữ, làm người đại diện tham gia lễ hội. Tại đây, người ta tổ chức lễ cầu mong các vị thần phù hộ người nhà được sống bình yên, mùa màng tươi tốt. Đây là lễ hội chung của người Dao, người Mông và người Giáy.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Ngày Thìn tháng 6 âm lịch hằng năm.
- Địa điểm: Ngôi miếu 3 gian tại đầu cầu treo sang bản Tả Van.
Lễ hội Nào Cống
Lễ hội Roóng Poọc - Lễ hội truyền thống của người Giáy
Lễ hội Roóng Poọc - lễ hội Sapa phản ánh ước nguyện của người dân về một cuộc sống dân an, vật thịnh. Toàn bộ diễn trình nghi lễ và các trò chơi luôn gắn với tín ngưỡng phồn thực, cầu cho vạn vật sinh sôi, nảy nở. Dấu vết cầu mưa cũng phản ánh khá đậm nét trong lễ hội này. Người ta sẽ dán giấy màu vàng hình con rồng trên vòng nhật nguyệt với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa.
Lễ hội Roóng Poọc thuộc một trong những loại hình lễ hội nông nghiệp. Nó phản ánh một phần lịch sử sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước của người Giáy qua tín ngưỡng: phồn thực, đa thần, thờ mặt trời,… Lễ hội được hình thành và phát triển từ chính cuộc sống lao động, sản xuất của người Giáy ở Tả Van hàng trăm năm nay, nên nó mang tính lịch sử và nhân văn sâu sắc.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hằng năm.
- Địa điểm: Thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, Sapa, Lào Cai.
Lễ hội Roóng Poọc
Lễ hội Tết nhảy - Lễ hội Sapa đặc sắc
Tết hội tết nhảy là nghi lễ cúng Bàn Vương thủy tổ của dân tộc Dao. Đây là lễ hội chào đón năm mới cùng như là nghi lễ thờ cúng thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và cầu cho mùa màng tươi tốt.
Đây là một trong những lễ hội Sapa mà mọi thứ dường như nhường chỗ cho phần quan trọng và độc đáo nhất của ngày Tết là nhảy múa tri ân. Trước tiên là điệu múa đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Tiếp đến là điệu chào bố mẹ, tổ tiên. Điệu này mô phỏng bằng cách nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu mời tiên nương giáng trần được mô phỏng theo điệu cò bay, hai tay dang ngang vẫy vẫy nhịp nhàng,...
Đặc biệt là lúc chính lễ, điệu múa “tam nguyên an ham” do thầy múa và khoảng 10 thanh niên nam giới biểu diễn để mời thần thánh các binh tướng về dự. Tiếp đến múa “ra binh vào tướng” với những động tác nhảy, quay, nhún, bật tung người rất nhanh, mạnh, dứt khoát, lướt đi trong tiếng trống, thanh la, não bạt trầm hùng.
Các điệu múa đẹp, độc đáo cứ thế diễn ra trong suốt thời gian lễ hội. Động tác uyển chuyển mà dứt khoát làm nao lòng du khách bốn phương.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hằng năm.
- Địa điểm: Nhà ông trưởng họ ở bản Tả Phìn.
Lễ hội Tết nhảy
Lễ hội Nào Sồng
Lễ hội Nào Sồng được mệnh danh là lễ hội đặc trưng nhất của người Mông. Người dân sẽ chuẩn bị lễ vật là một đôi gà trống mái hoặc lợn cùng rượu dâng lên cho vị thần Thu Tỉ. Đây là vị thần thổ địa bảo vệ cho dân làng cũng như gia súc tránh khỏi thú dữ. Sau khi cúng xong, những cặp gà hay heo sẽ được đem đi mổ, lấy tiết bôi vào gốc cây nơi thần ngự. Rồi người dân làm cỗ vui vẻ ăn uống cùng nhau.
Bên cạnh đó, lễ hội Nào Sồng còn là dịp để các chủ gia đình ngồi lại, họp bàn về các vấn đề sản xuất, chăn nuôi. Đề ra những quy định chung khi sử dụng nguồn nước cũng như chăm bón mùa màng, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn,...
- Thời gian diễn ra lễ hội: Ngày Thìn tháng giêng âm lịch. Vào ngày này, các già làng trưởng bản hội họp bàn công việc cho năm mới.
- Địa điểm: Séo Mý Tỷ – Dền Thàng Tả Van.
Lễ hội Nào Sồng của người Mông
Lễ hội Gầu Tào - Lễ hội truyền thống ở Sapa
Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội tiêu biểu. Đây là lễ hội thể hiện truyền thống ý nghĩa của người Mông. “Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời”. Là lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông, có nguồn gốc từ việc cầu mong có con hoặc con khỏe mạnh của các gia đình. Những gia đình ấy sẽ tổ chức cúng thần núi và xin làng tổ chức lễ hội Gầu Tào.
Ở lễ hội này, người dân sẽ làm lễ cúng tạ trời đất, cầu mong thần linh ban cho gia đình của họ được khỏe mạnh, thịnh vượng. Lễ hội Gầu Tào còn là dịp để cầu phúc, cầu lộc ban cho dân bản. Mở hội tạ ơn trời đất, núi sông ban cho một mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Đây được cho là lễ hội Sapa lớn và đặc sắc của người Mông. Là cơ hội để dân làng tụ tập chuyện trò, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Và cũng là lễ hội được khách du lịch mong muốn tham gia nhất.
Vào phần nghi lễ chính, các chàng trai, cô gái cùng nhau bước vào các tiết mục thi thố đặc sắc. Những tiếng khèn, những tiếng cười reo vang lên náo nức khắp làng bản, báo hiệu một mùa xuân mới đã về. Hứa hẹn một năm mới bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc, đủ đầy.
- Thời gian diễn ra lễ hội: từ ngày mùng 1 đến mùng 15 tháng Giêng âm lịch.
- Địa điểm: Thường được tổ chức ở tất cả các làng xã, huyện có đồng bào Mông sinh sống. Trên một khu đất đồi tương đối bằng phẳng thuận lợi cho việc đi lại, vui chơi.
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông
Lễ hội hoa chuối
Lễ hội hoa chuối thể hiện nét văn hóa tâm linh của người Xá Phó. Đây là lễ hội cầu cho mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm phát triển, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Các gia đình tham gia lễ hội mang rượu, gạo, 3 con chim nướng, mắm cá ủ chua, muối ớt,...làm lễ vật góp cho gia đình chủ hội. Tất cả những linh vật này sẽ được làm đồ tế lễ. Chủ hội bày đồ cúng lễ trên những chiếc mâm đan bằng mây rừng và đặt thành từng dãy theo thứ tự trên khu đất nơi tổ chức lễ hội. Các gia đình lần lượt thắp hương tại mâm lễ của mình cầu khấn những điều mình mong mỏi. Lúc hương tàn cũng là lúc chủ hội vái lạy xin phép hóa vàng và ra hiệu cho các gia đình hạ lễ.
Người dân chọn cây chuối to tốt, đang trổ hoa để làm cây chuối lễ. Với mong ước các mùa vụ tiếp theo sẽ được bội thu. Trên thân cây chuối, dân làng cắm lên thêm các loại hoa rừng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng. Họ dâng lên thần linh cả tấm lòng thành kính, tôn nghiêm với một ước mơ bình dị nhất.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Ngày 9 tháng 9 âm lịch.
- Địa điểm: Được tổ chức tại một gia đình, một nhóm gia đình hay cả một thôn bản tại Sapa, Lào Cai.
>> Có thể bạn quan tâm https://vha.vn/tin-tuc/Cam-nang-du-lich-SaPa-29304.
Lễ hội hoa chuối
Lễ hội quét làng của người Xá Phó
Người Xá Phó Sapa thường quan niệm rằng tháng 2 là tháng ma đói về làng để phá hoại dân. Do đó lễ hội quét làng của người Xá Phó được tổ chức với mong muốn cầu một năm mới được bình yên, hoa màu tươi tốt, chăn nuôi phát triển. Trước ngày tổ chức lễ hội, các chủ hộ trong làng họp nhau tại nhà người cao tuổi nhất làng để bàn cho công tác chuẩn bị.
Bắt đầu lễ hội, mỗi người trong bản sẽ mang theo 1 bát gạo, 1 con gà, rượu, hương đến bãi đất trống mổ để làm lễ cúng. Ai mang chó, dê hoặc lợn thì người dân trong làng sẽ trả công cho người đó 1 ngày. Tất cả thành niên, đàn ông trong làng mang lễ vật ra bãi đất trống đã định và cùng nhau mổ lợn, gà, dê, chó,...Thầy cúng cầm kiếm gỗ và 1 cành đào, mặt bôi nhọ rồi chia nhau ra làm lễ quét nhà cho cả làng. Đến nhà dân thầy cúng sẽ rót 1 chén rượu rồi đặt vào bàn thờ gia tiên, múa kiếm gỗ xua đuổi ma tà.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Ngày Ngọ và ngày Mùi tháng 2 âm lịch hằng năm.
- Địa điểm: Xã Nậm Sài, Sapa, Lào Cai.
Lễ hội quét làng của người Xá Phó
Lễ hội khèn hoa và mở cổng trời Fansipan
Lễ hội khèn hoa và mở cổng trời Fansipan lấy cảm hứng từ nền văn hóa đầy màu sắc của đồng bào Tây Bắc mỗi dịp xuân về. Giữa không gian mênh mang mây núi, an yên tự tại của cõi thiền trên đỉnh thiêng, du khách sẽ được thỏa sức trải nghiệm và tận hưởng những gì tinh túy nhất của vùng cao dịp Tết đến. Đây cũng là dịp để Phật tử bốn phương chiêm bái cầu an, nhận về đức tin và tràn đầy hy vọng cho năm mới.
Giữa khu du lịch ngập tràn sắc xuân ấy, quý khách sẽ được cùng với không gian văn hoá Tây Bắc trở về tuổi thơ trong những ngày Tết cổ truyền hạnh phúc. Chợ phiên nhộn nhịp, bày bán đầy đủ các mặt hàng, những trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào vùng cao cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác hứa hẹn một kỳ nghỉ Xuân thật thú vị và vui vẻ.
- Thời gian diễn ra lễ hội: Kéo dài suốt kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
- Địa điểm: Khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sapa, Lào Cai).
>> Xem ngay https://vha.vn/tin-tuc/Cam-nang-du-lich-SaPa-29304.
Lễ hội khèn hoa và mở cổng trời Fansipan
Trên đây là những thông tin chi tiết về 10 lễ hội Sapa đặc sắc và độc đáo nhất. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chọn lựa thời gian đến với Sapa để được tận hưởng trọn vẹn mùa lễ hội Sapa thú vị này nhé!
Và đừng quên đặt khách sạn Sapa khuyến mại hoặc combo du lịch Sapa tại BestPrice để có những trải nghiệm đáng nhớ nhất tại thành phố mờ sương này nhé!
>> Cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm du lịch Sapa mới nhất tại đây.
Đặt vé máy bay giá rẻ tại Vha.vn
VHA có đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, nhiệt tình và hệ thống đặt vé trực tuyến thông minh, tiện lợi giúp bạn dễ dàng tìm kiếm chuyến bay, đặt vé nhanh chóng, tiện lợi.
Ngoài ra, Vha.vn còn hỗ trợ một số dịch vụ uy tín từ hãng hàng không với giá ưu đãi như: mua thêm hành lý ký gửi, nâng hạng vé, đổi vé, chuyển nhượng, thủ tục check in sân bay, chọn trước chỗ ngồi trên máy bay, đặt trước các suất ăn trên máy bay...
Ngay từ bây giờ hãy nhanh tay liên hệ với Vha.vn qua tổng đài 24/7: 1900585890 để được tư vấn chi tiết lịch bay và được hỗ trợ đặt vé nhanh chóng, giá rẻ.